BÍ QUYẾT QUẢN LÍ CHI TIÊU CỦA DU HỌC SINH
BÍ QUYẾT QUẢN LÍ CHI TIÊU CỦA DU HỌC SINH
Khi đi du học nước ngoài, các bạn xa gia đình. Vì vậy mọi vấn đề sinh hoạt các bạn luôn phải chủ động, nhất là việc chi tiêu sao cho hợp lý, vì khi cần bạn khó có thể có sự hỗ trợ ngay từ gia đình. Một số lưu ý:
Chia nhỏ các khoản mục cần thiết
Một kinh nghiệm ở đây là du học sinh nên chia nhỏ số tiền “lương hàng tháng” ra. Những khoản tiền cơ bản mà tháng nào cũng cần như: tiền ăn, tiền nhà, tiền dùng cho phương tiện đi lại thì lúc nào cũng phải để riêng. Những khoản mục này cần được ưu tiên nhất. Du học sinh có thể xác định xem một ngày trung bình mình dùng hết bao nhiêu, rồi điều chỉnh sao cho phù hợp với số tiền mình có.
Những khoản mục khác như: tiền đi chơi, tiền shopping, tiền sinh nhật hay những tiền phát sinh khác, ta nên xếp chúng sau những khoản tiêu dùng thiết yếu. Rất nhiều du học sinh, thay vì chi tiền vào những khoản quan trọng như tiền ăn, tiền mua sách vở, tiền cho phương tiện thì lại dùng để đi shopping và party các kiểu, để rồi cuối tháng phải nhâm nhi mì gói qua ngày.
Để không rơi vào vòng lẩn quẩn của nợ nần. Khi cầm một món tiền lớn, các bạn cần chia nhỏ món tiền, và ghi cụ thể những khoản cần chi và đã chi trong tháng. Như vậy có thể kiểm soát việc chi tiêu tốt hơn.
Hãy “nuôi heo”
Thay vì có bao nhiêu tiền du học sinh đổ hết vào các buổi party và shopping, các bạn có thể dành chúng để nuôi “một con heo”. Nhất là đối với những bạn có thời gian và có thêm một khoản tiềng rủng rỉnh do đi làm thêm. Thay vì bỏ ra để chi tiêu “vô tội vạ”, các bạn có thể tiết kiệm số tiền làm thêm bằng cách bỏ ống heo.
Tránh vay mượn và trả ngay khi có thể
Có thể nói đi xa nhà du học, sẽ phát sinh rất nhiều trường hợp cần đến tiền mà trong túi lại chưa có. Vì thế, chuyện vay mượn là chuyện tất nhiên. Nhưng không phải nói thế là các bạn cứ tự do vay mượn, tiêu xài, rồi ngập trong các món nợ nần mà chưa biết bao giờ mới trả được.
Du học sinh hãy hạn chế các khoản vay mượn ở mức cao nhất có thể, vì nếu mượn nhiều sẽ trở thành thói quen. Hãy nhớ rằng, mỗi tháng các bạn đều được lãnh một khoản lương gần như nhau và hơn kém nhau không bao nhiêu. Nếu tháng này xài không đủ, mượn rồi tháng sau đắp vào thì sẽ bị tiếp tục thiếu hụt. Cứ thế, các bạn sẽ ngập đầu trong những khoản nợ mà khó lòng có thể trả hết được.
Sưu tầm