Giáo dục mầm non và tiểu học tại Đức
Việc tìm hiểu giáo dục mầm non và tiểu học tại Đức cho chúng ta một góc nhìn mới, rất thú vị và cũng đáng để học hỏi.
Ở CHLB Đức, trẻ em đi học mầm non mỗi ngày tối đa chỉ học nửa ngày vào buổi sáng, trong thời gian ở trường thì nhiệm vụ chủ yếu của trẻ chính là vui chơi. Nhưng “vui chơi” ở đây không có nghĩa là các bé có thể tự do đùa nghịch, hay ồn ào gây gổ, mà quá trình vui chơi được thiết lập theo kế hoạch của giáo viên đưa ra. Mỗi trường mầm non ở Đức có chương trình giáo dục khác nhau, do các giáo viên ở trường đó tự quyết định.
Họ rất coi trọng bồi dưỡng khả năng tự lập của trẻ nhỏ, dạy cho trẻ học cách tôn trọng người khác, biết tuân thủ các quy tắc, biết lễ phép với người lớn, v.v.
Ngoài ra, các trường mầm non còn tổ chức các khóa học thực tiễn về xã hội cho các bé. Giáo viên các trường mầm non sẽ đưa các bé đến các điểm như siêu thị, trạm tàu điện ngầm, đồn cảnh sát…, vừa quan sát vừa hướng dẫn các bé thực hiện các hoạt động thường ngày nhưng trọng yếu như: đi mua hàng hóa thì như thế nào, làm thế nào để đi tàu điện, gặp trường hợp nào thì báo cảnh sát… nhằm nâng cao khả năng nhận thức toàn diện cho trẻ.
Cho nên trẻ nhỏ ở Đức từ lúc nhỏ đã biết khi gặp nguy hiểm thì báo cảnh sát, biết đi siêu thị mua hàng… đồng thời tự mình thực hiện hoàn thành một số việc. Việc giáo dục mầm non là một khâu rất quan trọng đối với sự phát triển trưởng thành của người Đức.
Trẻ em nhỏ tuổi cái đầu tiên cần giáo dục chính là kỹ năng sống chứ không phải là kiến thức toán học, đây chính là thế mạnh của nền giáo dục tại Đức.
Sau khi kết thúc chương trình mẫu giáo, trẻ em ở Đức sẽ học tiếp theo chương trình 13 năm giáo dục bắt buộc.
Vấn đề giáo dục tiểu học ở Đức rất công bằng: không hề có sự phân chia trường trọng điểm hay trường không trọng điểm, mà là hoàn toàn chia theo khu vực cộng đồng, hơn nữa cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy của mỗi trường tiểu học đều đạt tiêu chuẩn rất cao.
Chương trình giảng dạy cho một trường tiểu học ở Đức là: Bắt đầu vào lớp học lúc 8h sáng và kết thúc vào lúc 1h trưa, tổng cộng mỗi ngày có khoảng 5-6 tiết học. Phương pháp dạy cũng rất đặc biệt: mỗi lớp có khoảng 25 học sinh, được sắp xếp ngồi theo hình chữ U vây quanh giáo viên, điều này rất có lợi cho việc trao đổi và tương tác giữa học sinh và giáo viên, tạo không khí gần gũi, lớp học cũng sẽ thú vị hơn.
Trong hệ thống giáo dục bậc tiểu học của Đức cũng có những quy định rõ ràng về độ dài của bài tập về nhà cho học sinh, ví như: bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 là 15 phút, lớp 2 là 30 phút, lớp 3-4 không quá 45 phút, đặc biệt giáo viên sẽ không cho bài tập về nhà vào cuối tuần.
Không cần bài tập quá nhiều, thay vào đó là sự trải nghiệm văn hóa và cuộc sống.
Cấp học tiểu học ở Đức chỉ đến lớp 4, bắt đầu từ lớp 5 trở đi sẽ được phân trường ra để học: trung học phổ thông, trung học cơ sở và trung học nghệ thuật. Trong đó học sinh học ở trung học nghệ thuật chỉ chiếm 20%.
J&S Education